Earable Vietnam

Earable Vietnam

Outsource
1-10
49-51 Street 30B, Tran Nao, Binh An Ward, District 2 District 2 Ho Chi Minh
2.7
198 reviews

Công ty tôi không tuyển dụng những người quá giỏi Nhiều năm tuyển dụng nhân sự, tôi có một quy tắc: không tuyển người giỏi nhưng nhảy việc nhiều, vì người tài mà không có tâm cũng vô dụng. Công ty tôi là một trong những startup công nghệ hàng đầu Việt Nam. Giống như nhiều bạn trẻ khác, tôi cũng từng là một ứng viên thi tuyển vào đây, để rồi từng bước có được vị trí trong ban tuyển dụng nhân sự. Quan điểm tuyển người của chúng tôi, mới nghe có thể nhiều người sẽ thấy hơi vô lý, đó là "không tuyển những người quá giỏi". Trong những lần tuyển dụng, luôn có những ứng viên với hồ sơ rất xuất sắc vượt trội: bằng giỏi tại đại học có danh tiếng, ngoại ngữ thành thạo, có nhiều công trình nghiên cứu khi còn là sinh viên, có nhiều chứng chỉ quốc tế, trả lời phỏng vấn tốt... Nói chung là họ "không có điểm gì để chê". Nhưng, rất tiếc, chúng tôi lại không tuyển họ. Với một tập đoàn công nghệ lớn, chúng tôi quản lý những hệ thống công nghệ lớn nhất Việt Nam. Có rất nhiều công nghệ cao mà các bạn sẽ phải được đào tạo từ đầu. Có rất nhiều chuyên gia cao cấp mà bạn phải học hỏi. Nên với những bạn quá giỏi, hồ sơ quá tốt, họ chủ yếu vào tập đoàn chúng tôi làm việc khoảng một đến hai năm là sẽ xin được học bổng để du học quốc tế. Và cuối cùng, các bạn sẽ định cư luôn ở các nước như Singapore, Đức, Mỹ, Anh... Vậy là, tập đoàn chúng tôi sẽ chỉ như một nơi đào tạo các bạn miễn phí, là nơi làm đẹp hồ sơ cho các bạn. Thực tế, tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn như vậy. Với một công ty công nghệ lớn, khi các bạn làm việc một, hai năm sẽ vừa đủ để các bạn trở nên thành thạo và bắt đầu giữ được một vị trí quan trọng trong tổ chức. Nhưng ngay khi đó, các bạn lại đi du học, nghĩa là tập đoàn sẽ không sử dụng được các nhân viên mà mình đào tạo. Tổn thất là hai năm đào tạo, xáo trộn nhân sự và việc tuyển dụng và đào tạo lại phải bắt đầu lại với các ứng viên mới. Do đó, một tiêu chí quan trọng của chúng tôi đó là đánh giá ứng viên xem họ có xu hướng ra đi sau một, hai năm hay không? Nếu có thì ứng viên đó sẽ bị loại sớm. Chúng tôi sẽ chọn các ứng viên thông minh, cần cù, chịu khó và có một số điểm dù chưa hoàn hảo, ngoại ngữ không quá giỏi, diễn thuyết không quá xuất sắc hoặc ngoại hình không quá đẹp, nhưng nỗ lực vươn lên và muốn cống hiến lâu dài. Khi mới ra trường, tôi có dịp làm việc trong môi trường công ty của Nhật Bản. Người Nhật họ thường đưa ra các tiêu chí để tìm các ứng viên phù hợp. Giả sử, họ có một dự án mà ba tháng sau triển khai, khi bạn tới ứng tuyển, nếu bạn đã rất giỏi công việc đó thì họ cũng sẽ không tuyển. Lý do là họ sẽ phải trả lương cao cho bạn trong ba tháng dự án chưa triển khai. Thay vào đó, họ sẽ chọn ứng viên biết tương đối công việc và đánh giá khả năng của họ trong ba tháng đào tạo xem có thể làm được công việc không? Nếu lựa chọn của họ đúng, công ty sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định trong khi nhân sự vẫn đáp ứng được công việc. Sau ba tháng đào tạo, nếu bạn không làm được việc, họ sẽ xin lỗi và cho bạn nghỉ việc. Một câu nói quen thuộc của họ sẽ là: "Bạn là người rất tuyệt vời, nhưng chúng tôi thành thật xin lỗi vì những sai sót của công ty trong khâu tuyển dụng đã làm bạn mất thời gian, công sức...". Như vậy, việc không tuyển những ứng viên quá xuất sắc, vượt quá yêu cầu là điều mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng. Cá nhân tôi thấy rằng: Thứ nhất, quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp là hợp tác hai bên cùng có lợi. Nên hai bên cần hành xử sao cho phù hợp. Hợp tác sẽ không tồn tại nếu chỉ một bên có lợi. Thứ hai, tùy thuộc vào từng công việc, nếu công việc mùa vụ thì hết dự án coi như hết hợp đồng, đường ai nấy đi. Nếu là công việc lâu dài, công ty sẽ không mong muốn tuyển các ứng viên làm việc thời gian ngắn rồi nhảy việc. Ví dụ như tập đoàn chúng tôi, mỗi bạn được tuyển vào sẽ có ít nhất sáu tháng ngồi đọc tài liệu, tham gia các khóa huấn luyện, cho làm thử một số việc nhỏ... Khi các bạn có thể làm được việc thì chúng tôi mới đưa vào các dự án. Bạn nào giỏi thì sau ba tháng sẽ bắt đầu làm được việc chính thức, sau một năm sẽ thành thạo. Bạn nào bình thường thì sáu tháng mới làm được việc, hai năm mới thành thạo. Thứ ba, với các bạn có ý định không gắn bó lâu dài, chúng tôi sẽ loại ngay từ vòng duyệt hồ sơ (dựa vào lịch sử nhảy việc trong quá khứ). Khi phỏng vấn, bạn nào có khả năng sẽ nhảy việc hay đi du học trong một, hai năm cũng sẽ bị chúng tôi cân nhắc loại. Trong trường hợp đã nhận các bạn vào làm việc, chúng tôi sẽ cố gắng để đào tạo nhân viên để trở nên giỏi nhất có thể. Chúng tôi cũng sẽ nói chuyện về đạo đức nghề nghiệp để các bạn hiểu sống phải có trước, có sau. Khi mình cần việc làm thì tập đoàn tuyển dụng, bỏ tiền trả lương, bỏ công sức đào tạo các bạn, thì các bạn cũng cần cống hiến, trả lại cho tập đoàn những chi phí đã bỏ ra. Trước khi ra đi, các bạn cũng nên báo trước, đào tạo thế hệ kế cận, bàn giao công việc cho người tiếp quản công việc của mình. Trong trường hợp có những cơ hội tốt hơn, các bạn cũng nên chia sẻ với quản lý đơn vị, chúng tôi sẽ phân tích điểm tốt, điểm xấu cho quyết định của các bạn. Đương nhiên là người tuyển dụng luôn mong muốn các bạn ở lại làm việc, nhưng nếu không thể giữ được, chúng tôi cũng sẽ để các bạn ra đi một cách vui vẻ và đàng hoàng. Quan điểm của tôi là người có tài nhưng không có tâm thì cũng vô dụng. Dù chúng ta ở vai doanh nghiệp hay người lao động, thì cũng không nên chỉ biết nghĩ cho mình mà xem nhẹ lợi ích của đối tác. Theo cá nhân tôi, các bạn trẻ không nên nhảy việc quá nhiều vì nó thể hiện rằng bạn chưa tìm hiểu kỹ về công ty mình ứng tuyển, thiếu sự chín chắn trong các quyết định, thiếu sự kiên trì theo đuổi các mục tiêu đã đặt ra, thiếu tính kỷ luật và thiếu sự chuyên nghiệp trong từng hành động, và thậm chí là hơi "thiếu đạo đức" (nếu nhảy việc đã nằm trong kế hoạch ngay từ ban đầu của các bạn trước khi ứng tuyển).