Earable Vietnam
TUỔI TRẺ, HÃY DẤN THÂN HẾT MÌNH Rồi một ngày định mệnh sẽ khe khẽ gõ cửa và kéo bạn đi đến những vùng đất mới với những trải nghiệm thú vị pha lẫn phiêu lưu chưa từng thấy trên hành trình riêng của cuộc đời mình. Thời trước khi lập công ty Earable Neuroscience, tính cả khi ở Việt Nam và Úc, mình cũng đã làm việc cho 6 người sếp, 4 nam 2 nữ (hai sếp Việt Nam, một sếp Việt Nam đi du học nước ngoài về, một sếp người Úc, một sếp Hàn Quốc, và một sếp Trung Quốc), từ việc chân tay đến văn phòng, từ làm nhân viên đến quản lý. Một điều mình tự hào là tất cả những người sếp của mình đều là những người rất giỏi, kiên cường, có tinh thần làm việc và cống hiến mạnh mẽ. Họ đều là những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm và là người xứng đáng để người khác học hỏi. Người ta nói tuổi thanh xuân là đẹp nhất. Còn mình thấy tuổi thanh xuân là một đóng bùi nhùi khi bản thân chưa biết hướng đi, chưa biết mình là ai, chưa biết công cụ nào mình cần và chưa có được những công cụ cần thiết, mà còn p hải loay hoay với cái "tôi bị bắt là" và "tôi muốn là". Thấy trong 10 sinh viên thì có hơn 8 em nói sau này sẽ làm việc này việc kia, trở thành ông này bà nọ, rồi mở công ty kiểu lớn kiểu nhỏ... Trong khi trong thực tế - vẫn còn đang sử dụng từng đồng tiền trợ cấp của cha mẹ, học hành phải nhắc nhở từng chút, chỉ lo ăn với học thôi mà thi cử còn chưa qua nổi, nợ môn chồng chất. Thất bại chút thì buồn phiền than vãn đổ lỗi. Các em như vậy một phần là do văn hóa Việt Nam, cha mẹ bảo bọc, úm con kỹ quá cho đến khi con ra đời gặp nhiều bỡ ngỡ với cuộc sống và nhận thức về bản thân, tưởng rằng mọi việc dễ dàng như khi đi học, tưởng mình là số một và ai cũng phải chiều chuộng mình như cha mẹ. Việc đẩy con ra đời sớm và cho con tự mình lựa chọn cách sống theo chúng muốn đó chính là đang trao cho con cơ hội trải nghiệm, trưởng thành và khẳng định chính mình. Đó chính là món quà lớn nhất ba mẹ có thể cho con cái vì ta đâu thể lúc nào cũng đi theo mà lo cho con. Mình cũng thấy nhiều bạn trẻ mới ra đời chưa đi làm ở đâu mà vội vàng mở doanh nghiệp làm chủ. Nếu có chút thành công ban đầu thì sinh kiêu căng tự phụ và biến chất không còn coi ai ra gì. Cho đến khi thất bại thì quay lại thấy những người từng thân thiết đã bỏ đi gần hết rồi. Mà đi làm công lại thì khó vì quá trình kia đã dung dưỡng cho họ cái tôi cao ngạo quá rồi khó hòa nhập trong một tập thể. Có những người loay hoay nói muốn khởi nghiệp, hai ba năm trời rồi vẫn ngồi đó nói, chân bước chập chững chẳng đi được bao xa, một số quanh quẩn đi làm công, một số đổ lỗi cho hoàn cảnh vì chưa gặp thời. Thật ra vấn đề không phải làm công hay làm chủ mà là phải hiểu bản thân mình muốn gì. Mình có đang làm một công việc mình thấy thích, mình có đóng góp được cho xã hội hay không và trong môi trường làm công đó mình có được đối đãi tốt hay không. Nếu muốn một cuộc sống hài hòa thì chọn một công việc và một môi trường làm việc tốt là đủ, để còn dành thời gian cho những điều khác mà mình quan tâm hơn trong cuộc sống. Chỉ nên khởi nghiệp khi có khao khát, có tham vọng đủ lớn, hoặc khi thời vận không cho phép, nên dù muốn làm công nhưng không có đủ may mắn tìm được môi trường đãi ngộ tốt hay người sếp không tạo được điều kiện cho mình phát huy tối đa năng lực. Từ điểm A (điểm ta đang đứng) phải DO (làm) thì mới đi đến được điểm B (HAVE, có cái ta muốn). Nhưng trên đường đi dù muốn hay không thì điểm A cũng cùng lúc đi đến điểm C (BE, trở thành một người nào đó). Tức dù muốn hay không trên đường ta đi đến đạt điều mong muốn thì ta cũng sẽ "biến chất" và trở thành ai đó. Từ "biến chất" hay được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Nhưng thực sự thì ai mà không đang dần bị biến chất: thay đổi về cơ thể, về suy nghĩ, năng lực, kinh nghiệm và về cả những người ta tiếp xúc hay làm việc. Nên mỗi người đều bị biến chất mỗi ngày, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực, do ta chủ động (định hướng sự thay đổi của bản thân) hay bị động (do hoàn cảnh đưa đẩy mà thay đổi). Nói theo tư tưởng phương Đông, điểm B chính là "thành công" và điểm C là "thành nhân". Phương Đông ta có câu: "Không thành công thì cũng thành nhân". Vậy nên quan điểm này đối với người phương Đông đã có từ lâu đời rồi, chú trọng việc phát triển nhân cách, năng lực đạo đức trước rồi thành công sẽ từ từ đi theo, đó chính là tạo dựng uy tín. Thành nhân rồi sẽ thành công. Mà thành công sớm quá khó mà thành nhân. Thời trẻ ai mà không có những nông nỗi, sai lầm, nhưng phải phạm sai lầm thì mới biết ta đang ở đâu và cần sửa điều gì. Đừng sợ người khác đánh giá. Người nông cạn là người vẫn mãi giữ một cách nhìn hay đánh giá tiêu cực/tích cực về một người dẫu đã không gặp người đó sau một khoảng thời gian. Còn người kém hiệu quả là người không biết sai và không biết sửa. Con đường đi đến ước mơ chẳng có con đường tắt, mắt nhìn lên trời nhưng đôi chân phải đi từng bước trên mặt đất. Đường thành công không dành cho kẻ tự phụ. Đường thành công không dành cho kẻ lười biếng. Đường thành công không dành cho kẻ thiếu kiên nhẫn. Bởi vì con đường đó rất gian lao vất vả, những người như vậy chắc chắn không thể bước chân lên nổi.