Earable Vietnam
CÁI GIÁ CỦA SỰ TRƯỞNG THÀNH Trong một buổi diễn thuyết của mình, Jack Ma từng nói: "Khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp, bạn sẽ nhận ra rằng người đầu tiên tin tưởng bạn sẽ là những người xa lạ. Bạn bè sẽ là những người dè chừng bạn, thậm chí bạn thân sẽ xa cách bạn và người vứt bỏ bạn trước tiên chính là bạn nhậu. Còn người khinh thường bạn nhất có khi lại là bạn học và người thân…" Cho tới một ngày bạn phát đạt, mỗi khi dùng tiền mời người khác ăn cơm, bạn bất chợt nhận ra rằng bàn tiệc ấy lại toàn những người chẳng mấy thân thiết, còn tri kỷ của bạn chẳng biết giờ đang ở nơi đâu... trải qua những ngày làm việc mệt mỏi, đi qua những buổi tiệc thâu đêm, sau tất cả, chúng ta sẽ nhận ra bản thân vẫn là những người cô đơn trong cuộc đời này. Cảm giác cô đơn nhất, liệu có phải là khi ta bước đi một mình trong đêm trên con phố vắng người, xung quanh chỉ có ánh đèn đường hiu hắt; hay là khi ta trải qua những ngày lễ một mình, chẳng có lấy một lời hỏi thăm hay một tin nhắn chúc mừng. Kỳ thực, trên cuộc đời này chẳng có mấy ai thực sự quan tâm chúng ta, nên muốn sống cho tốt, ta nên học cách đối đãi tử tế với bản thân mình trước. Hớt hải chạy một mình trên con đường đông đúc, hay thản nhiên rơi lệ nơi hè phố vốn là điều không nên. Khi tâm tình không tốt, nếu không thể tìm được tri kỷ tâm sự, hãy giãi bày tâm sự trên trang giấy, chứ đừng nên phơi bày ruột gan trước mặt bàn dân thiên hạ. Bởi suy cho cùng, trên thế giới này, người có thể chân thành cảm thông với bạn vốn dĩ không nhiều. Vì vậy, đừng vội vàng để những người không mấy thân quen nhìn thấu cảm xúc của bạn... nên nhất định phải học cách trân trọng bản thân! Trưởng thành, cũng là khi ta học được cách "thương mình sau những năm tháng thương người". Sống trong cuộc sống, hãy học cách xem hư danh như phù du và coi trọng tôn nghiêm như vàng bạc. Làm một người có xuất thân bình thường, sẽ có lúc bạn cúi đầu chịu yếu thế, nhưng tuyệt đối không được lựa chọn việc quỳ gối, khom lưng. Sống trong cuộc sống, nhất định phải sống là chính mình một cách chân thật nhất, đừng mãi phí hoài thời gian để lấy lòng người khác, càng không nên tự biến mình trở thành bản sao. Bạn là chính bạn mà thôi, bản ngã của bạn là duy nhất chứ không phải mô phỏng của ai đó. Sống trong cuộc sống, phải học được cách tỉnh táo mà làm việc, nhưng mơ hồ mà làm người. Bởi lẽ, có nhiều chuyện không thấy rõ thì sẽ có cảm giác rối rắm, nhưng nhìn thấu lại càng khiến bạn đau lòng. Nhân sinh như một bụi rậm, bề ngoài giống như để ta làm chủ, nhưng thực chất lại bị vô số những yếu tố khác điều khiển. Hơn nữa, con người ai rồi cũng sẽ thay đổi, sự việc nào rồi cũng có ngày biến hóa, nếu đã không để thao túng, hãy lựa chọn tùy duyên, đừng bới móc, cũng đừng tọc mạch. Nên khắc cốt ghi tâm thứ gọi là "triết lý viên kẹo". Chuyện kể rằng, mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo, bạn làm điều đó một cách thường xuyên và vui vẻ, đứa trẻ ấy cũng rất yêu bạn. Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo "hết kẹo rồi". Những ngày sau đó, bạn thấy đứa trẻ đối với bạn ngày một thay đổi. Nó coi bạn là kẻ keo kiệt, xấu xa, thậm chí đi khắp nơi để nói xấu bạn. "Triết lý viên kẹo" dạy cho chúng ta một điều rằng, khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ không coi đó là món quà, họ mặc định đó là trách nhiệm của bạn. Tới khi bạn không cho họ thứ đó nữa, họ có thể dễ dàng trở mặt với bạn. Vậy nên, đừng quá thiện lương, đừng quá hào phóng, cũng đừng tỏ ra quá tài giỏi. Bởi có rất nhiều người sẽ cho rằng những điều bạn cố gắng làm, tình nguyện làm cho họ lại là những thứ bạn – nghiễm – nhiên – phải – làm. Cho tới một ngày nào đó, nếu bạn không làm được những điều đó nữa, dù có khóc lóc, dù có thanh minh, dù có cảm thấy mệt mỏi, cũng sẽ chẳng có ai quan tâm, thậm chí họ còn đem lòng oán trách bạn. Trong mắt họ, những việc bạn làm trước đây điều là bạn tự nguyện. Vì bản chất của trưởng thành là cô đơn, nên hãy học cách thương mình, sau đó dành sự quan tâm cho những người thân của bạn. Suy cho cùng, trưởng thành là biết tận dụng đúng lòng tốt của mình chứ không phải phân phát lòng tốt vô tội vạ...