Earable Vietnam
Sinh viên học kiểu 'bón cây', ra trường chê lương thấp Nhiều sinh viên đi học với tâm thế chờ giảng viên truyền đạt kiến thức mà không chịu khó tự học, đến khi thất nghiệp, lương thấp lại đổ lỗi. Thật chán nản khi ngồi xuống và đọc quyển giáo trình khi mà kiến thức trong đó những người hướng dẫn của tôi còn chẳng biết. Thực trạng này được núp bóng dưới những câu như "đại học chỉ rèn luyện tư duy, đại học chỉ đào tạo nền tảng...". Xét theo một góc độ nào đó, đại học được coi như một loại dịch vụ và với tư cách người tiêu dùng thì có lẽ người sử dụng dịch vụ như sinh viên chúng tôi được quyền đòi hỏi những thứ mới và có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống. Để xét theo nhiều góc độ hơn chúng ta sẽ đi mổ sẻ vấn đề của cả người tiêu dùng lẫn người cung cấp dịch vụ. Mạng xã hội đã hướng sinh viên đến quá nhiều quan điểm xấu như: "Người chơi nhiều sau này sẽ thành chủ, học trường đời hơn trường học". Rất ít sinh viên ngồi lại tư duy và tìm hiểu xem thật ra kiến thức trong giáo trình là thứ gì và nó đến từ đâu? Trong thời đại VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ) như hiện nay thì mọi thứ trong giáo trình có vòng đời áp dụng rất ngắn tầm 2 - 3 năm (trừ kiến thức nền tảng và vài công cụ đặc biệt) nhưng mà giáo trình chủ yếu biên soạn từ năm 2007, 2010 thì tự hỏi nó có còn thiết thực? Đa số sinh viên còn chưa trang bị cho mình kỹ năng tìm tòi, kỹ năng đọc, phản biện mà chỉ chờ được "bón" bởi thầy cô giáo và đọc cái giáo trình cũ rích vậy mà họ ca thán suốt ngày về thất nghiệp, lương thấp... mà không hiểu vấn đề của họ cũng một phần do chính họ gây ra. Sự lỗi thời đó làm dấy lên một câu hỏi trong cộng đồng sinh viên rằng liệu thứ mới luôn tốt hơn thứ cũ? Điều này có lẽ lại tùy vào chính hoàn cảnh của bản thân, doanh nghiệp, việc làm và nhiều thứ khác. Ví dụ như KPI sinh trước có tốt hơn OKR sinh sau, các học thuyết marketing cũ còn áp dụng được sao phải sinh ra cái mới? Nhưng đặt câu hỏi khác đi thì sẽ có câu trả lời: Nếu cái cũ còn tác dụng thì ta cập nhật làm gì? Ta sẽ phí hoài một cơ hội cập nhập được kiến thức tốt hơn nữa. Từ đó suy ra sinh viên phải luôn có tính tò mò, học hỏi liên tục và có nơi để tra cứu thông tin để có thể nổi bật trong nghề mà bạn đã chọn hoặc để khởi nghiệp chẳng hạn. Nhiều người còn không thể ra trường vì không có bằng tiếng Anh, nghe tiếng Anh thì như vịt nghe sấm, nói tiếng Anh thì lắp bắp thì tôi tự hỏi làm cách nào các bạn có thể hội nhập được với thế giới, đọc những tài liệu của các chuyên gia hiện thời? Bạn có thể có một tinh thần cầu tiến nhưng lại chả có "phương tiện " để học thêm, đọc thêm thì nó mãi chỉ là tinh thần mà không có kết quả. Tôi hiểu nhà trường có khó khăn khi xuất bản giáo trình mới vì quy định, đào tạo nhân lực và quy trình rườm rà, nhà trường đã có nhiều đội ngũ dịch giả làm việc ngày đêm để mang đến những cuốn sách hay của các chuyên gia hàng đầu nhưng thật sự thất vọng khi công tác truyền thông của của nhà trường còn rất kém hiệu quả . Vào khuôn viên trường hỏi 10 bạn thì may ra chỉ một, hai bạn đọc sách chuyên ngành còn đâu chủ yếu là đọc sách giải trí là chính. Số liệu thống kê năm 2019 cho hay bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc chừng một quyển sách. Về giảng viên, đây là quan điểm hạn hẹp của tôi thôi nhưng tôi nghĩ nên cho thầy cô giáo tham gia nhiều vào hoạt dộng thực tiễn của doanh nghiệp, trải qua nhiều rồi mới đề bạt làm giáo viên chính chứ chỉ thiểu số giáo viên có doanh nghiệp riêng hoặc sự nghiệp thật sự nổi bật trong ngành. Đồng thời nâng cao khả năng ngoại ngữ cho các thầy cô ở tỉnh lẻ để có cơ hội tiếp thu giáo trình quốc tế.