Earable Vietnam

Earable Vietnam

Outsource
1-10
49-51 Street 30B, Tran Nao, Binh An Ward, District 2 District 2 Ho Chi Minh
2.7
198 reviews

Sinh viên nói hay, làm dở Hướng dẫn công việc cho nhân viên mới, tôi nói nửa câu, anh ta đã hiểu, nhưng khi làm việc thực tế lại thường xuyên nhảy cóc quy trình. Kỹ năng và quy trình là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Kỹ năng là khả năng thực hiện một thao tác, còn quy trình là thứ tự các thao tác khi làm việc. Tức, quy trình là một chuỗi các thao tác theo thứ tự được sắp xếp sẵn. Tuân thủ tuyệt đối theo thứ tự này gọi là kỷ luật lao động. Bất kể bạn học cấp độ dạy nghề nào, kỹ năng là cái mà người ta dạy cho bạn và ở đâu cũng giống nhau. Dạy "thợ", người ta chỉ dạy thao tác, nhưng dạy kỹ sư, người ta còn phải dạy cả lý thuyết tạo ra cái thao tác ấy. Còn quy trình, mỗi công ty mỗi khác vì kinh doanh các sản phẩm khác nhau. Người tuyển dụng khó chịu với sinh viên mới ra trường không phải do anh sinh viên này không nắm được quy trình làm việc của công ty (vì họ đã làm việc cho công ty ngày nào đâu) mà do ứng viên không rành các thao tác mà anh ta đã được học ở trường. Nh à trường chỉ chăm chú dạy sinh viên lý thuyết mà bỏ quên khâu thực hành. Một sinh viên có thể thiết kế một mạng điện cho một công trình ảo trên giấy, nhưng khi bảo anh ta thiết kế cho một công trình thật lại không làm được. Không vẽ được sơ đồ của công trình thì làm sao thiết kế? Công trình ảo được học ở trường là thứ đã được thiết kế sẵn, còn ngoài thực tế, ai thiết kế sẵn cho bạn làm? Điều này cũng giống như ở trường người ta cho bạn một đề Toán để giải, còn thực tế tự bạn phải thiết lập đề toán rồi mới giải. Đi làm nhiều năm, tôi mới nhận thức được thiết lập đề Toán thực tế khó hơn nhiều so với giải cái đề ấy. Bạn muốn làm sếp, phải tạo ra "đề Toán" cho nhân viên của bạn giải, còn việc "giải đề" thì ai cũng được học ở trường lớp như nhau. Càng lên chức cao, các lý thuyết mà nhà trường dạy sẽ càng có điều kiện được áp dụng, nhưng khi bạn chỉ là nhân viên cấp thấp, những lý thuyết ấy vô dụng vì không có điều kiện để áp dụng. Chẳng có ai mới đi làm đã được làm sếp ngay. Bạn phải từ "lính" đi lên, mà lính phải giỏi thực hành hơn lý thuyết. Ở các nước phát triển, bạn khó tìm ra "thợ"? "Thợ" của họ chính là những kỹ sư mới ra trường. Điều này cũng tương tự như mảng kinh tế, nhân viên bán hàng cấp thấp nhất phải có bằng cử nhân kinh tế vì bạn không thể bán hàng cả đời được, mà một ngày nào đó sẽ lên sếp để hướng dẫn công việc cho các nhân viên khác mới vào làm. Nước ngoài thường không có khái niệm là "trường đại học" mà là "viện đại học". Vào viện đại học, sinh viên sẽ bắt đầu từ bậc cao đẳng chuyên dạy các kỹ năng thực hành giống như đào tạo thợ ở ta. Tiếp theo là hai năm đại học đào tạo lý thuyết nghề. Tiếp nữa là hai năm cao học đào tạo lý thuyết nâng cao. Cuối cùng là hai năm nghiên cứu sinh tiến sĩ đào tạo lý thuyết sáng tạo. Với lĩnh vực kỹ thuật nói chung, cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên, đại học đào tạo cử nhân, cao học đào tạo kỹ sư và tiến sĩ đào tạo nghiên cứu lý thuyết khoa học tự nhiên. Ai học được đến đâu sẽ đăng ký học đến đó. Học là một chuyện, có tốt nghiệp hay không là chuyện khác. Thứ tự học của họ như vậy chứ không có "nhảy cóc" như ta, từ phổ thông có thể vào luôn đại học, ra đi làm "thầy" riêng, "thợ" riêng. Từ đó mới nảy sinh ra chuyện thầy không làm được việc của thợ. Kỹ thuật viên là người biết sử dụng một loại máy móc nào đó để tạo ra bán thành phẩm. Cử nhân kỹ thuật biết sử dụng nhiều máy móc khác nhau để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Kỹ sư biết cải tiến, nâng cao hiệu suất của các loại máy móc có sẵn. Tiến sĩ khoa học tự nhiên biết tạo ra những máy móc mới có năng suất cao vượt trội so với những máy móc cũ... Từ đó nói lên điều gì? Ông tiến sĩ có thể làm công việc của anh kỹ thuật viên nhưng ngược lại thì không thể. Mọi kỹ sư cơ khí như tôi được học ba chuyên ngành từ thấp đến cao tương đương với các bậc học liên tiếp nhau. Thứ nhất là lắp ráp – vận hành (trình độ kỹ thuật viên), thứ hai là sửa chữa – thay thế (trình độ cử nhân kỹ thuật) và cuối cùng là thiết kế - chế tạo (trình độ kỹ sư). Ở ta gần như không có cấp độ thứ ba nên hầu hết kỹ sư khi ra trường chỉ làm đến bước một, hai. Cũng vì không có kỹ sư chế tạo đúng nghĩa nên từ cây kim, sợi chỉ, chúng ta cũng đều phải nhập khẩu. Tốt nghiệp có bằng kỹ sư nhưng không có công việc cho kỹ sư làm, có phải là lãng phí nhân lực không? Nói bằng kỹ sư ở ta không bằng nước ngoài cũng chẳng có gì sai. Người tốt nghiệp đại học ra làm việc lâu năm, đúc kết kinh nghiệm thành lý thuyết. Lý thuyết ấy được nhà trường dùng để dạy lại sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp, ra đi làm lâu năm lại đúc kết ra lý thuyết mới hơn. Cứ như thế tạo thành vòng tuần hoàn ngày càng cao dần lên. Lý thuyết và thực tiễn là không thể tách rời. Trong khi đó, ở ta, lý thuyết đi đằng lý thuyết, thực tiễn đi đằng thực tiễn. Có bao nhiêu giảng viên đại học đã từng làm việc ở các công ty? Hay chỉ đi học, ra lấy bằng tiến sĩ, rồi chưa từng đi làm ở đâu đã về giảng dạy luôn? Giáo sư chỉ biết lý thuyết làm sao dạy thực hành cho sinh viên, làm sao dạy các phương pháp ứng dụng lý thuyết vào thực hành? Sinh viên chỉ được dạy lý thuyết suông, khi ra trường, ứng tuyển vào vị trí thấp nhất cũng không nổi vì không thực hành được. Đây là lỗi của người tuyển dụng hay lỗi của nhà trường? Người ta thường khen lao động Việt tiếp thu tốt. Tôi hướng dẫn quy trình cho nhân viên Việt, mới nói nửa câu, anh ta đã nói luôn phần còn lại. Nhưng khi làm việc thực tế, anh ta nhảy cóc quy trình, bỏ qua thứ tự các thao tác vì cho rằng một số bước là vô dụng, mất năng suất dẫn đến sản phẩm hỏng hoặc chất lượng kém. Ngược lại, lao động nước ngoài, tôi phải nói quy trình nửa buổi họ mới hiểu, thậm chí còn hỏi đi hỏi lại. Nhưng khi ra làm việc, họ tuyệt đối tuân thủ quy trình. Vậy, cái khả năng "tiếp thu tốt" ấy của người Việt có đáng để tự hào không?