Earable Vietnam
Khi tuyển dụng, tôi chỉ trả lương ở mức sàn của từng vị trí, sau vài tháng chứng minh năng lực, nhân viên mới được xác định mức đãi ngộ. Đi làm chính là làm trước hưởng sau. Không có chỗ nào trả lương đầu tháng cho bạn cả. Bạn không tỏ ra xứng đáng, ai trả cho bạn lương cao, vị trí làm việc tốt? Không ai trả lương cho một người chưa chứng tỏ được họ xứng đáng với số tiền đó. Tôi có biết một doanh nghiệp tuyển người theo kiểu quen biết giới thiệu. Ai nấy đều có CV khủng, được trả ngay lương cao ngất. Thế nhưng, mấy người chỗ đó đều làm việc nửa vời. Sau năm, sáu tháng, họ kiếm lý do rồi "chuồn", bỏ lại một đống lộn xộn. Doanh nghiệp ấy giờ đã phá sản. Với doanh nghiệp của tôi (dù quy mô cũng nhỏ, không phải là doanh nghiệp sản xuất), khi tuyển người, trước hết tôi chỉ trả lương ở mức sàn vị trí, đồng thời tôi giao việc để họ minh chứng và nói rõ: nếu đạt được thành quả cụ thể, công ty sẽ thưởng nóng. Nếu họ làm tốt, thu nhập tháng đó chắc chắn không hề thấp. Thử thá ch như vậy tổi thiểu hai tháng, tôi sẽ bắt đầu xác định mức lương và chế độ đãi ngộ thực tế của mỗi người. Mọi việc này, tôi đều nói rõ ngay khi phỏng vấn tuyển dụng. Doanh nghiệp đàng hoàng ở chỗ rõ ràng và làm đúng cam kết. Việc căn cứ vào niềm tin để trả lương cho nhân viên từ đầu, đến khi người đó không đạt được niềm tin của bạn, liệu họ có trả lại phần lương đã nhận, hay chủ động xin giảm lương không? Không thể nói "trả sao làm vậy" vì năng lực của bạn đâu phải là vô biên. Nếu tôi trả luôn cho bạn 200 triệu/ tháng ngay từ đầu và bắt bạn phải làm được khối lượng công việc tương xứng với mức lương ấy, liệu bạn có làm được không? Do đó, muốn có lương cao, các bạn nên chứng minh năng lực trong vài tháng trước khi đàm phán lại. Nếu đúng là người có tài, đa số chủ doanh nghiệp sẽ không bao giờ bỏ phí bạn. Từ "cống hiến" theo tôi chỉ phù hợp sau khoảng vài năm làm việc cật lực. Trước kia, khi tôi đi làm thuê, cũng làm việc hết sức, nhưng chẳng dám nói là cống hiến. Thực ra, những người làm được việc nhưng không được đãi ngộ xứng đáng chỉ là thiểu số. Rất nhiều người đang nhầm lẫn khi đánh đồng người làm việc cặm cụi nhưng sai phương pháp, chỉ đâu đánh đấy, làm nhiều việc nhưng toàn việc chẳng đâu vào đâu, với người làm việc chủ động, biết sắp xếp, tính toán công việc một cách thông minh. Với người biết chủ động làm việc, sếp chỉ cần giao đầu việc, tiêu chí là xong. Thông thường, những người này, cứ sau một việc họ lại tích lũy thêm được nhiều kiến thức và nhanh chóng vươn lên hoặc tách ra làm riêng. Các chủ doanh nghiệp thường thích dùng họ, tạo điều kiện cho họ vì đơn giản là đó là nhân tố giúp kiếm tiền cho ông chủ. Nếu là một chủ doanh nghiệp tốt, họ sẽ cân bằng giữa lợi nhuận thu về và chi phí để trả lương, thưởng cho những nhân viên làm tốt. Ngược lại, nếu không có chế độ đãi ngộ phù hợp, những nhân viên giỏi sẽ tích lũy và sớm ra đi. Nếu bạn mãi chỉ sợ cống hiến nhầm thì bạn sẽ luôn đến đích chậm. Ngay cả khi có mất vài năm cống hiến nhầm, bạn vẫn sẽ tích lũy được đủ mọi kiến thức, kinh nghiệm, các mối quan hệ và có thể là cả danh tiếng cá nhân. Nghèo thì lâu, nhưng giàu chẳng mấy. Không ai tách rời được quá trình làm việc và trau dồi kỹ năng, kiến thức cả. Chẳng có kiến thức hay kỹ năng nào chỉ từ sách vở và cóp nhặt suông từ người khác mà có. Do đó, làm việc hết mình mới là thước đo chính xác nhất cho việc bạn xứng đáng được trả công thế nào.