Earable Vietnam
Người Nhật đã ứng dụng chữ “Nhân” trong Binh Pháp Tôn Tử với nghệ thuật quản trị nhân sự như thế nào? Chữ “Nhân” – Nhân hòa, yêu mến cán bộ, nhân viên Trong các buổi liên hoan tổ chức tiệc cuối năm, ban lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật thường tự vào bếp nấu nướng và làm tiệc phục vụ nhân viên. Các nhân viên thì vui chơi các trò chơi có thưởng, trên sân khấu thì các phòng/ ban hình thành các đội văn nghệ thi biểu diễn nghệ thuật với nhau. Lúc này, toàn bộ nhân viên là người được hưởng trọn vẹn niềm vui trong buổi liên hoan cuối năm còn toàn bộ ban lãnh đạo trong vai trò người phục vụ. Trong bữa tiệc, họ cũng thường là người chủ động mời bia mời rượu và nâng cốc cảm ơn, chúc mừng cấp dưới. Điều này thể hiện sự hòa đồng, sự yêu mến của ban lãnh đạo đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên. Danh ngôn của giới doanh nhân Pháp cũng nói: Yêu quý nhân viên một lần thì họ cũng yêu quý công ty gấp trăm lần. Chữ “Nhân” – Yêu mến gia đình, người thân của cán bộ, nhân viên. Không dừng lại ở sự thương yêu, quý mến nhân viên mà họ còn rất quan tâm đến các thành viên trong gia đình của cán bộ công nhân viên. Tôi đã rất xúc động trước bài phát biểu của vị Tổng thống giám đốc công ty Yamaha Motor Việt Nam trong một ngày hội gia đình, trong đó có đoạn: …Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất tới những người bố người mẹ, những người vợ, người chồng đã không quản khó khăn, vất vả đảm đương công việc gia đình, hi sinh thời gian của mình, giúp người thân của mình hoàn thành xuất sắc công việc tại gia đình Yamaha. Các bạn thực sự là hậu phương vững chắc cho sự thành công chung của chúng ta…” Vị tổng giám đốc đã thành tâm thành ý cảm ơn những người thân trong gia đình cán bộ công nhân viên, ghi nhận công lao, sự hi sinh của họ, coi công ty là một đại gia đình thống nhất của họ. Vì lẽ đó, vì chữ Nhân của người lãnh đạo mà cán bộ công nhân viên yêu mến công ty, sẵn sàng thức khuya dậy sớm cùng công ty. Mặt khác, những người thân trong gia đình của công nhân viên cũng sẽ luôn luôn tạo điều kiện, động viên cổ vũ họ, cống hiến hết mình cho công ty. Chữ “Nhân” – Mạnh Thường Quân giang tay cứu giúp cán bộ nhân viên Mỗi khi nhân viên gặp hoàn thành khó khăn đặc biệt, lãnh đạo thường chỉ đạo phong trào quyên góp để ủng hộ. Người bị nạn có khoản trợ giúp này sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn. Điều đặc biệt là sau khi nhận hỗ trợ, người được nhận hỗ trợ sẽ sống với tấm lòng cảm kích và yêu mến tất cả đồng nghiệp. Đây là chất keo kết dính rất hữu hiệu cho tinh thần đoàn kết toàn công ty. Hơn thế nữa, lãnh đạo luôn là người tham gia hỗ trợ nhiều nhất. Có trường hợp con của nhân viên ốm nặng mà nhân viên đó lại có hoàn cảnh rất khó khăn, lãnh đạo yêu cầu chuyển toàn bộ hóa đơn viện phí để lãnh đạo thanh toán giúp. Với bản thân tôi, ngay cả khi tôi đã rời công ty Yamaha nhưng khi tôi ốm nặng thì những người sếp cũ của tôi đã tổ chức cho cán bộ nhân viên của bộ phận mình tới thăm hỏi và động viên tôi rất nhiều. Chữ “Nhân” – Lãnh tụ tinh thần Một trong số những nhân viên tôi quản lý sau khi nghỉ việc tại Yamaha đã nói “Xác có thể đi nhưng hồn vẫn ở lại”. Đối với bản thân tôi, tôi đã không còn làm việc ở Yamaha gần ba năm, tôi đã suy ngẫm rất nhiều và nhận thấy rằng: “Nghệ thuật quản trị nhân sự cao nhất là nghệ thuật lãnh tụ được tinh thần của cán bộ, công nhân viên. Chưa đủ, đó còn là nghệ thuật lãnh tụ tinh thần của cả những người thân yêu của họ nữa. Làm được điều này, hãy bắt đầu bằng chữ “NHÂN”.